7 giờ 47 Phút
poetry
Van Nghe Publisher, 2010
Lang thang trong nhà sách, bất ngờ, người đọc có thể bị hình thức của tập thơ 7 giờ 47 phút gây chú ý. Vuông khổ 20×20cm, hình bìa với màu đỏ và các sắc trắng, xám, đen gợi nhắc đến thế giới bạo liệt của Frank Miller. Bìa trước, một cô gái ngồi che dù bên lề đường con hẻm vắng. Bìa sau, không còn cô gái, chiếc dù gãy nằm lại, xa xa cuối hẻm, bóng một người đàn ông đi qua. Cô gái bị bắt cóc? Cô gái giận dữ vì bị lỗi hẹn, quật nát chiếc dù rồi bỏ đi? Và tại sao lại 7 giờ 47 phút? Thêm 13 phút chờ đợi, 8 giờ, người yêu sẽ đến? Và, đã không đến?
Đọc xong hai bài thơ CHIẾC GIƯỜNG MÀU ĐỎ và LÀM PHỤ NỮ (VIẾT LÁCH) THỜI NAY THẬT KHÓ BIẾT MẤY, người đọc tìm được câu trả lời: 7 giờ 47 phút là điểm khởi đầu của hạnh phúc, mở ra con đường tình cho tác giả và người yêu bước vào.
Tập thơ đầu tay của Lưu Diệu Vân bắt đầu bằng một bài thơ tình:
mùa hè mắc võng nơi hai đầu ngọn sóng
ru khe khẽ lọn tóc nắng
màu hạt dẻ
hạnh phúc thường hằng căng tràn chuyện dài chuyện ngắn
đêm cắn vỡ mặt trời rơi
đêm phát sinh hai vì sao mới
chúng ta chơi trò ráp nối
nơi vị trí em vừa vặn
mỗi mình anh
(MÙA HÈ VÉ KHỨ HỒI)
Nhiều bài thơ tình khác tiếp nối, lấp lánh muôn mặt. Có tình yêu sinh viên (MÙA HẠ, GÓC ĐƯỜNG NEWBURY), tình yêu thời internet (THƯ GỞI MÃ SỐ @) tình yêu son sắt (SA THẠCH), tình yêu nồng nàn, đắm đuối (KHƠI NGUỒN CASANOVA – ĐÊM SON – MƯA M) hay cách trở, chia lìa (CÂU CHUYỆN CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG VÀ NGƯỜI ĐÀN BÀ – NHẬT KÝ, TRANG 22 – QUÊN). Tình yêu với những câu thơ thật dịu dàng…
trên gối rơm thơm anh cầu bình minh nở nụ
lan rộng nơi hy vọng trú ngụ
bên trong lồng ngực em.
(SA THẠCH)
hay cuồng nhiệt…
mưa đom đóm thắp đêm
anh đốt em bạch lạp
bậc thiên đường âm vận
cung ngực trần phơi mở ngàn xúc cảm tàn tích
nhịp tình tràn loang khát
hiến trận mưa m miên viễn.
(MƯA M)
… nhưng luôn là tình yêu song phương. Với bài thơ CÀ PHÊ RIÊNG…
Cà phê Trung Nguyên
có hơn trăm loại
sao anh dại dột
đòi thích mùi hương của em
để khi tình yêu lên men
chua ngọt càng khó uống
mùi vị riêng như thế
có ai mới hớp vào mà không mê
anh cũng chẳng là ngoại lệ
cà phê Trung Nguyên
có hơn trăm khuôn viên
anh lại tuỳ tiện
chọn ngồi ngay cửa sổ
đóng khung Hồ Con Rùa
lúc hoàng hôn chập choạng
nước trong hồ đã cạn
hoang mang đọng dưới đáy
lòng anh cũng cạn theo những đường bay
tối nay chỉ mình anh uống
nên nụ cười buồn rũ rượi
không còn hồn nhiên
in trong tách cà phê riêng
chỉ có vị say
mùi men cay
trong môi mềm cơn thèm đêm tiễn biệt
không ai thấy tiếc
dù biết ngày mai
mùi cà phê tối nay
sẽ dừng lại trước cổng sân bay.
người đọc có thể đứng ở vị thế của “anh” hoặc “em” để thưởng thức bài thơ, sẽ tìm được những rung cảm khác nhau. Ngoài ra, còn ANH VÀO EM TRONG TẬN THẾ hay TRÁNG KÝ ỨC TRONG CỐC CÀ PHÊ, những bài thơ tình khá riêng tư, hình như chỉ để dành cho tác giả và người yêu của mình đọc mà thôi.
Nhưng “7 giờ 47 phút” không phải chỉ có thơ tình. Lưu Diệu Vân đi tìm bản sắc riêng, mùi vị riêng, bằng cách, vô tình hay cố ý, phá vỡ những khuôn mẫu thường thấy trong thơ Việt. Hình như CÀ PHÊ RIÊNG là bài thơ duy nhất có chút vần điệu trong “7 giờ 47 phút” và NHỮNG ĐIỀU GIẢN DỊ có chút gợi nhắc về một số bài thơ của Nguyên Sa: từng câu dài, mỗi câu tạo thành một khổ thơ riêng. Những bài thơ còn lại, đầy Vân.
Nhìn, nghe, cảm, nghĩ và viết. Tác giả phả vào thơ của mình tâm tư của một người viết nữ tràn đầy sức sống đầu thế kỷ 21. Vượt qua được các ràng buộc, đối kháng của lớp cha anh: chiến tranh-hoà bình, bắc-nam, quốc-cộng, hải ngoại-quốc nội, nhược tiểu-đại cường…, Lưu Diệu Vân mời người đọc, qua thơ, tìm đến với những suy nghĩ và quan niệm của cô, rất nữ tính nhưng luôn chủ động trong mọi tình huống.
Ở bài NHẬT KÝ, TRANG 22, có những câu:
đêm dạ vũ với chiếc áo nâu hở lưng
lần đầu em biết dùng thân thể
để lay động anh
chung quanh toàn những gã râu xanh
ánh mắt đỏ đục
thú thật
em không cần anh
ở sắc độ đó.
Chẳng còn cơn say ngất nào
giữ được em ngoan ngoãn
bằng cơn say ở băng ghế sau
anh vò môi em úa nhàu
trong mùi rượu
Tequila
mặn muối
máu của con mồi van nài được săn đuổi.
Người nữ bước vào cuộc chơi, cám dỗ và đầy tự tin, ngay cả khi quyết định tận hiến. “Nữ quyền”, từ cốt lõi, có phải để người nữ được quyền tự quyết định lấy thân xác và cuộc đời của mình? Hãy thử so sánh người nữ – có thể phản chiếu ít nhiều bóng sắc tác giả – trong các bài thơ VIÊN THUỐC 48 TIẾNG, MẪU ĐÀN BÀ LÝ TƯỞNG, LỜI NGUYỀN CỦA CUỘC CHINH PHỤC, FEMMINILE hoặc…
họ đang cố gắng tranh thủ
thách thức lý luận phiến diện
không bằng những đôi môi khập khiễng
mà bằng thể chất tráng kiện
có sừng
có sức lực
của những người đàn bà đang biết mình muốn gì
sau hai ngàn năm đần độn
cái thuyết chính chuyên
xã hội chuyên chính
bị bịt miệng bằng mảnh khăn trắng
không lốm đốm những giọt máu hồng
(KHẮT KHE)
với hình ảnh những người đàn bà được miêu tả ở NGOẠI LỆ DUY NHẤT, sẽ thấy rõ có sự khác biệt trong nếp suy nghĩ và cách hành động giữa hai thế hệ phụ nữ. Sự đối kháng chủ động-bị động của thân phận đàn bà còn được nhắc đến qua bài thơ BẮT ĐẦU, với cách dùng công thức “3 trong 1”: người vợ-người yêu-người tình:
căn nhà của một người đàn ông và ba người đàn bà
tràn ngập âm thanh và mùi hương phản cảm
tiếng động tình của cô gái, tiếng khóc của nữ chủ nhân, tiếng thở dài thất vọng của nàng
mùi rượu của cô gái, mùi chăn gối hơi quen của nữ chủ nhân, và mùi tóc ướt sương ân hận của nàng
mùi cà phê đậm đặc dư âm nỗi buồn nguỵ tạo của gã đàn ông
Đối kháng đàn ông-đàn bà hay anh-em được Lưu Diệu Vân chuyển thành một cuộc chơi trong ĐỐI THỦ CAO NGẠO NHẤT, và cô kết luận:
em uy nghi ngự trị trên những tán dương ngoài cuộc
bóp nghẹt định kiến truyền kiếp: em yếu ớt và anh kiên cố
quấn quýt giữa mùi thân thể khiêu khích sự đầu hàng
anh vẫn là người phủ phục bên giường em thâu đêm suốt sáng.
Nhưng ở đây, hai đối thủ không phải hai kẻ thù mà nhân dáng sẽ được phát triển thành hai vế đối nhau toàn vẹn trong bài thơ 1954 TƯƠNG SINH 1979.
Đọc “7 giờ 47 phút”, người đọc khó tính có thể nhíu mày khi vấp phải những câu thơ “quá tây” hoặc “giống như thơ dịch không khéo”:
quên đi thắc mắc vật cá nhân anh mua gần đây nhất từ nhà thuốc tây
chiếc áo sơ mi anh đang mặc sao ân cần thẳng thớm do bàn tay ai săn sóc
(CHIẾC GIƯỜNG MÀU ĐỎ)
từ phản đối hoảng loạn đến tán thành hân hoan
hôm nay tôi ăn mừng lễ kỷ niệm trong sự hiện diện vô biên của nỗi dịu dàng đã khuất
bằng giọng điệu thấu hiểu lỗ mãng từ một người điếc không quen.
(NGÀY 13 KHUYẾT)
Nhưng sau khi đọc LỜI THÚ THẬT CỦA ĐỨA CON GÁI TRUNG BÌNH, có thể tự hỏi: phải chăng đây là một trong những style – cách dụng thơ riêng của Lưu Diệu Vân:
Tôi thú thật
vẫn quen khen trăng đầy mỗi ngày mười sáu [thay vì vòi theo Hàn Mặc Tử mà gọi trăng tròn]
vẫn thường cằn nhằn mỗi khi không được tắm tóc [dù mẹ đã dặn đến kỳ đến tháng phải cữ gội đầu]
vẫn cứ luôn tấm tắc rau trẻ quá [dù bà hay vuốt má mắng yêu ai mà chẳng thích rau non]
Như lời tự bạch, bài thơ trên là một trong những bài thơ hiếm hoi cho người đọc biết được nguồn gốc Việt của tác giả. Và đối kháng nội tại của nhà thơ cũng nằm ở chỗ đó: tâm tư, cảm nhận, suy xét của người con gái Đông Á lớn lên và trưởng thành tại Bắc Mỹ.
Không chỉ dừng lại trong thơ, Lưu Diệu Vân còn mời người đọc tiếp cận với những chân trời nghệ thuật khác: kịch nghệ (ĐỐI THOẠI CÙNG NGƯỜI-ĐÀN-ÔNG-CÓ-TRÁI-TIM-BÊN-PHẢI), nhiếp ảnh (TRÁNG KÝ ỨC TRONG CỐC CÀ PHÊ), điện ảnh (Ở TẦNG THỨ 7), hoặc với chân dung phác hoạ của tác giả (CÁ TÍNH) hay của thành phố nơi cô đang sống:
Thành phố gói thống khổ giữa những trang rao vặt
Dịch Vụ: Thiên thần Á Đông dành cho các chàng quỷ nhỏ
Việc Làm: Tuyển thư ký cá nhân, không cần kinh nghiệm, ngoại hình phải nóng
Tìm Bạn: Đàn bà thích ngoại tình cần đàn ông trên năm mươi, sẽ gởi ảnh kín
Cần Bán: Sofa gần chục tuổi, lốm đốm mùi nước dãi thỏ – $250
Bí mật rơi vãi hàng hàng qua khe chữ
(THÀNH PHỐ N2G-1A6)
Gấp lại 7 giờ 47 phút, một tập thơ đọc không phải để giải trí mà để suy nghĩ, người đọc giữ lại được một chữ dùng ít gặp nhưng lại thấy xuất hiện đây đó vài lần trong 48 bài thơ của Lưu Diệu Vân:
Chân ái.
Cổ Ngư
Choisy-le-Roi 03.2010